Khi mở shop quần áo kinh doanh, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Nếu bạn chưa biết mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn thì dưới đây là dự toán chi phí mở shop quần áo khi bạn mới bắt đầu kinh doanh.
Mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn là câu hỏi được khá nhiều chủ cửa hàng đặt ra khi có ý định kinh doanh quần áo ở thời điểm hiện nay. Nhìn chung kinh doanh quần áo là một ngành nghề kinh doanh mà bạn có thể lựa chọn để khởi nghiệp với số vốn kinh doanh không quá lớn, bạn có thể lựa chọn mô hình kinh doanh nhỏ hoặc kinh doanh quần áo online để tối ưu chi phí khi khởi nghiệp kinh doanh. Tất nhiên không thể có con số vốn chính xác để mở shop quần áo là bao nhiêu bởi vì số vốn kinh doanh còn phụ thuộc nhiều vào quy mô cửa hàng, phân khúc khách hàng, địa điểm mở cửa hàng hay mặt hàng kinh doanh.
Khi mở shop kinh doanh quần áo việc tính toán chi phí kinh doanh đóng vai trò quan trọng giúp bạn tối ưu chi phí kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn đầu.
Dưới đây, Thế Hệ Khởi Nghiệp chia sẻ dự toán chi phí mở shop quần áo đối với shop thời trang có diện tích từ 20 m2 đến 30 m2 tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh với các sản phẩm trong phân khúc trung bình giúp bạn xác định được các hạng mục chi phí cơ bản cần chuẩn bị khi mở cửa hàng kinh doanh quần áo.
Dự toán chi phí mở shop quần áo chi tiết đối với một cửa hàng
Khi kinh doanh quần áo, có một số chi phí mà bạn cần tính toán khi mở shop kinh doanh trong đó bao gồm chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhập hàng, chi phí trang trí cửa hàng, chi phí thuê nhân viên, chi phí Marketing cùng với một số khoản chi phí khác. Sau đây chúng tôi phân tích chi tiết các khoản chi phí cần thiết đối với một cửa hàng kinh doanh quần áo cơ bản nhất đi kèm dự toán chi phí mở shop quần áo ở thời điểm hiện nay.
Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh
Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh là khoản chi phí đầu tiên trong bảng dự toán chi phí mở shop quần áo mà bạn cần tính toán đến. Tùy theo khu vực mở cửa hàng mà giá thuê mặt bằng có thể khác nhau, tuy nhiên theo như thị trường chung hiện nay, giá thuê mặt bằng ở Hà Nội của một shop quần áo có diện tích từ 20 m2 đến 30 m2 thường dao động trong khoảng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng, với các shop ở các tuyến đường nhỏ hoặc ở tỉnh giá có thể thấp hơn còn ở các khu vực có vị trí đẹp hơn, ở các quận trung tâm thì chi phí có thể lên đến 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Bạn nên chọn các mặt bằng ở khu vực đông dân cư, thuận tiện cho giao thông đi lại, có nơi để xe cho khách hàng hoặc gần với các khu vực tập trung đông đối tượng khách hàng tiềm năng ví dụ như gần các trường Đại học, Cao đẳng hay các tòa nhà văn phòng.
Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh tùy thuộc vào địa điểm mở shop kinh doanh quần áo tuy nhiên dao động trong khoảng từ 5 triệu đến 20 triệu đồng/tháng.
Một lưu ý quan trọng khi dự toán chi phí mở shop quần áo đó chính là bạn cần biết rằng thông thường khi thuê mặt bằng kinh doanh quần áo, bạn phải đóng trước từ 3 tháng đến 6 tháng tiền thuê và đặt cọc 1 tháng, như vậy chi phí thuê mặt bằng ban đầu có thể lên đến 15 triệu đồng hoặc thậm chí hơn 100 triệu tùy theo vị trí và chính sách thanh toán của bạn đối với chủ nhà. Nếu bạn có địa điểm kinh doanh không phải đi thuê thì có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh quần áo.
Chi phí trang trí cửa hàng và mua sắm các vật dụng cơ bản
Để kinh doanh cửa hàng quần áo hiệu quả thì việc trang trí cửa hàng quần áo đóng vai trò quan trọng giúp thu hút khách hàng ghé thăm cửa hàng của bạn. Chính vì vậy, công việc đầu tiên sau khi thuê được mặt bằng kinh doanh đó chính là bạn phải lên kế hoạch sang sửa và thiết kế trang trí cửa hàng đồng thời mua sắm các vật dụng cần thiết cho hoạt động kinh doanh.
Trang trí nội thất shop quần áo cơ bản gồm tường, trần, hệ thống giá kệ, hệ thống đèn, quầy thu ngân, quầy thử đồ, gương soi và biển bảng hiệu. Trần nếu làm thạch cao giá khoảng 160K đến 200K/m2, tường nếu dùng giấy dán tường giá 40K đến 50K/m2 còn nếu dùng sơn thì giá rẻ hơn một nửa. Với biển quảng cáo, nếu làm bằng biển bạt đơn giản thì chi phí chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng tuy nhiên với biển Alu thì giá cao hơn khoảng 3 triệu đến 6 triệu đồng, nếu kèm thêm đèn LED thì chi phí có thể cao hơn tùy theo kích thước của biển hiệu shop quần áo.
Khi trang trí cửa hàng quần áo, có rất nhiều vật dụng mà bạn cần tính toán và lên kế hoạch mua sắm để cửa hàng trở nên thu hút và thuận tiện nhất cho khách hàng.
Hệ thống giá treo quần áo giá tùy thuộc vào yêu cầu về số lượng và thiết kế riêng của từng shop, thông thường với diện tích cửa hàng từ 20 m2 đến 30 m2, tổng chi phí vào khoảng tầm 5 đến 15 triệu. Bên cạnh giá treo quần áo thì bạn còn cần chú ý đến hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí cho shop kinh doanh bởi ánh sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tôn thêm vẻ đẹp của sản phẩm và thu hút khách hàng đến shop đồng thời gia tăng khả năng bán hàng khi kinh doanh quần áo. Với cửa hàng có diện tích từ 20 m2 đến 30 m2, chi phí đầu tư cho hệ thống đèn LED chiếu sáng trong bảng dự toán chi phí mở shop quần áo vào khoảng 3 triệu đến 6 triệu đồng.
Ngoài ra, bạn còn cần chú ý đến chi phí mua sắm các trang thiết bị kinh doanh. Đầu tiên là móc treo quần áo, với diện tích shop từ 20 m2 đến 30 m2 thì số lượng quần áo trung bình khoảng 200 đến 300 sản phẩm, nếu dùng móc nhựa thì chi phí chỉ khoảng từ 600K đến 1 triệu đồng tuy nhiên nếu dùng móc sắt hoặc móc cao cấp hơn thì chi phí có thể cao hơn từ 3 đến 4 lần. Bên cạnh đó cửa hàng quần áo còn cần có ma nơ canh, nếu dùng mơ nơ canh sắt giá chỉ khoảng 150K/con còn ma nơ canh trắng khoảng 1 triệu/con, thông thường đối với một shop kinh doanh quần áo có mặt tiền khoảng 4 đến 5 m2 thì cần khoảng 2 đến 4 con ma nơ canh để trưng bày các kiểu dáng quần áo mới nhất tại cửa hàng đồng thời tạo sự thu hút đối với khách hàng đi qua.
Khi kinh doanh quần áo và dự toán chi phí mở shop quần áo, bạn còn cần tính đến chi phí dành cho việc mua khung thử đồ và rèm khoảng 500K đến 700K, gương soi cho khách hàng từ 500K đến 1,5 triệu đồng tùy loại và tùy kích thước và số lượng gương soi đặt trong cửa hàng. Ngoài ra, shop kinh doanh quần áo còn nên trang bị thêm quầy thu ngân để tăng tính chuyên nghiệp cho hoạt động kinh doanh với giá khoảng 1 đến 5 triệu đồng tùy chất lượng chất liệu và kiểu dáng.
Nhìn chung, dự toán chi phí mở shop quần áo đối với việc trang trí cửa hàng diện tích khoảng 20 m2 đến 30 m2 ước tính vào khoảng 50 triệu đồng, nếu bạn trang trí cầu kỳ và kiểu cách hơn thì chi phí có thể cao hơn.
Chi phí cho việc nhập hàng kinh doanh
Một khoản chi phí quan trọng khác cần có trong bảng dự toán chi phí mở shop kinh doanh đó chính là chi phí nhập hàng, đặc biệt là nhập hàng lần đầu. Khoản chi phí này thường chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số vốn dự tính cho việc kinh doanh. Thông thường với diện tích cửa hàng khoảng 20 m2 đến 30 m2 thì lần nhập hàng đầu tiên, bạn có thể nhập khoảng 200 sản phẩm đến 300 sản phẩm, nếu mở shop vào mùa kinh doanh ví dụ như mùa hè thì giá trung bình một sản phẩm như áo phông, quần sooc, váy, sơ mi từ 80K đến 200K, lúc này tổng tiền hàng vào khoảng 20 triệu đến 40 triệu. Còn nếu mở shop vào mùa đông, giá các sản phẩm như áo len, áo khoác, dạ thường đắt hơn nhưng số lượng hàng nhập về cần ít hơn so với vụ hè, tổng chi phí nhập hàng đồ đông lớn hơn 1,5 lần đến 2 lần so với đồ mùa hè.
Chi phí nhập hàng quần áo thường chiếm khoảng 40% đến 50% tổng số vốn kinh doanh của bạn đồng thời là chi phí chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dự toán chi phí mở shop quần áo.
Thông thường thì để mở một shop thời trang có quy mô vừa hướng tới đối tượng khách hàng tầm trung thì chi phí nhập hàng thường chiếm khoảng 40% đến 50% tổng số vốn bạn có. Ngoài ra, bạn có thể thương lượng với các chủ buôn sỉ hoặc nhà cung cấp hàng cho bạn lựa chọn phương thức thanh toán gối đầu từng đợt để giảm rủi ro và xoay vòng vốn tốt hơn ở các lần nhập hàng sau. Đồng thời cần có một số vốn để có thể bổ sung thêm nguồn hàng kịp thời, cập nhật thêm các kiểu dáng quần áo đang là xu hướng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Chi phí thuê nhân viên
Bên cạnh chi phí thuê mặt bằng, chi phí trang trí cửa hàng hay chi phí nhập hàng quần áo phục vụ cho việc kinh doanh thì một khoản chi phí trong dự toán chi phí mở shop quần áo bạn cần tính đến đó chính là chi phí thuê nhân viên. Lương nhân viên là một khoản chi phí không hề nhỏ trong kế hoạch mở shop quần áo của bạn. Bạn có thể thuê nhân viên Part time lương khoảng 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng bán theo ca hoặc thuê nhân viên Full time lương tầm 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng khác. Tùy vào quy mô cửa hàng mà bạn có số lượng nhân viên khác nhau nên chi phí thuê nhân có thể thay đổi tuy nhiên với cửa hàng diện tích từ 20 m2 đến 30 m2 thì bạn có thể thuê thêm 2 nhân viên phục vụ việc bán hàng, tư vấn cho khách hàng kiêm thu ngân.
Chi phí thuê nhân viên bán hàng quần áo là khoản chi phí bạn cần tính đến, với cửa hàng quy mô nhỏ thường cần từ 2 đến 3 nhân viên cho cửa hàng.
Chi phí Marketing cho shop quần áo
Khi mở cửa hàng kinh doanh quần áo, bạn cần xây dựng chiến lược thu hút khách hàng đến với cửa hàng nhiều hơn hay nói cách khác là Marketing cho cửa hàng kinh doanh. Ở giai đoạn đầu, bạn cần phải chi ra một khoản dự toán chi phí mở shop quần áo đối với hoạt động Marketing tầm 15 triệu đồng để in ấn tờ rơi, poster, bao bì sản phẩm, chạy quảng cáo Facebook, tổ chức chương trình khuyến mại để thu hút được nhiều khách hàng.
Mở cửa hàng quần áo kết hợp với bán hàng và quảng bá cửa hàng online được xem là giải pháp thúc đẩy doanh số bán hàng và thu hút khách hàng hiệu quả.
Ngoài ra, nếu có điều kiện thì bạn có thể tạo website bán hàng quần áo với chi phí khoảng 5 triệu đến 7 triệu đồng để phục vụ cho việc kinh doanh quần áo lâu dài. Như vậy, chi phí cho hoạt động Marketing trong giai đoạn đầu tiên khi kinh doanh shop quần áo, bạn cần chuẩn bị khoảng 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Các khoản chi phí khác
Bên cạnh các khoản chi phí liệt kê trong bảng dự toán chi phí mở shop quần áo trên, khi mở shop kinh doanh quần áo, bạn còn cần tính thêm các khoản chi phí khác bao gồm chi phí dự phòng hoạt động, lắp camera an ninh, cửa từ, máy tính tiền, phần mềm quản lý bán hàng, chi phí điện nước, chi phí đăng ký thủ tục kinh doanh hay các chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên đây không phải là phần chi phí bắt buộc, có thể trang bị từ đầu hoặc thêm vào trong quá trình shop quần áo hoạt động sau này. Nếu được bạn nên chuẩn bị thêm khoảng 10 triệu đồng cho các chi phí phát sinh này, khi kinh doanh, mọi khoản chi phí đều cần được tính toán và lưu lại để tránh tình trạng thất thoát.
Trên đây Thế Hệ Khởi Nghiệp chia sẻ dự toán chi phí mở shop quần áo cho cửa hàng diện tích khoảng từ 20 m2 đến 30 m2, hi vọng rằng có thể giúp bạn ước lượng được chi phí cần thiết cho hoạt động kinh doanh đồng thời chuẩn bị số vốn ban đầu hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc mở shop quần áo cần bao nhiêu vốn, vui lòng để lại bình luận xuống bên dưới để được chúng tôi giải đáp và tư vấn thêm khi bạn có ý định mở cửa hàng kinh doanh quần áo ở thời điểm hiện nay.