Kinh doanh spa hoặc dịch vụ làm tóc, salon tóc đang trở thành nghề kinh doanh nổi bật ở thời điểm hiện tại với nhiều tiềm năng phát triển. Cùng tìm hiểu chi tiết kế hoạch kinh doanh spa và salon tóc để gặt hái thành công hiệu quả.
Mở dịch vụ kinh doanh spa hay salon tóc đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn ở thời điểm hiện tại để khởi nghiệp. Tuy nhiên, mở salon tóc hay spa cần đầu tư gì, chi phí để mở cửa hàng là bao nhiêu và làm thế nào để kinh doanh hiệu quả là điều mà nhiều người còn băn khoăn khi nung nấu ý tưởng kinh doanh các dịch vụ làm đẹp hiện nay. Bởi cho dù bạn mở spa làm đẹp hay salon tóc đáp ứng nhu cầu và phân khúc khách hàng bình dân hay cao cấp thì đều cần xây dựng một lộ trình kinh doanh đi cùng với một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết. Dưới đây, Thế Hệ Khởi Nghiệp giới thiệu bản kế hoạch kinh doanh spa và salon tóc để gặt hái thành công, ở phần này bao gồm việc lựa chọn các phương án để bắt đầu lựa chọn kinh doanh, khảo sát thị trường và lên phương án lập bảng giá phù hợp.
Mở spa làm đẹp hay salon tóc là một xu hướng kinh doanh nổi bật ở thời điểm hiện tại nhờ nhu cầu cao của thị trường, đặc biệt là đối với phái đẹp.
Lựa chọn phương án bắt đầu hoạt động kinh doanh
Khi kinh doanh dịch vụ spa và salon tóc, thông thường bạn có thể có ba lựa chọn kinh doanh đầu tiên đó là mở salon hoặc spa mới hoàn toàn, nếu bạn có đủ tiềm lực tài chính, một tay nghề chắc chắn và đủ tự tin. Thứ hai đó là mua lại salon do phá sản hoặc muốn đổi nghề hay đơn giản là dừng kinh doanh do các vấn đề cá nhân, lúc này bạn có thể mua lại toàn bộ đồ nghề và thương hiệu của họ, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư lại vừa tận dụng được thương hiệu của họ nếu như salon hoặc spa đó kinh doanh tốt, chỉ vì lý do cá nhân nên phải dừng hoạt động. Cuối cùng chính là lựa chọn kinh doanh theo kiểu nhượng quyền, bạn trả phí để được sử dụng thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, tận dụng uy tín của họ mà không cần tốn kém thời gian, tiền bạc để quảng bá thương hiệu.
Khi kinh doanh spa làm đẹp hoặc salon tóc, bạn có thể lựa chọn mở tiệm spa mới, nhượng quyền thương hiệu hoặc mua lại tiệm spa hay salon tóc trước đó để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Nhiều người khi khởi nghiệp kinh doanh thường không biết mở tiệm spa hay slon tóc cần bao nhiêu vốn, điều này phụ thuộc vào quy mô kinh doanh và việc đầu tư trang thiết bị của bạn đi cùng với đó là việc lựa chọn phương án để bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh spa hay salon tóc, nếu ít vốn bạn có thể mua lại các salon hay spa trước đó để kinh doanh, giảm chi phí đầu tư hoặc chọn hình thức kinh doanh nhượng quyền thay vì việc mở một spa hay salon tóc mới hoàn toàn.
Chọn lựa khung giờ mở cửa phù hợp
Cho dù là mở dịch vụ làm đẹp hay tiệm cắt tóc, gội đầu thì nên chú ý đến khung giờ mở cửa, đừng bỏ qua bất kỳ dịp nào bởi đó là cơ hội đón được nhiều khách hàng nhất. Ví dụ thứ 7, Chủ Nhật bắt buộc phải mở cửa và đặc biệt là thời gian các ngày nghỉ trong năm, ngày cận Tết còn phải mở cửa kéo dài hơn ngày thường. Vì thông thường chỉ sau khi hết thời gian làm việc hoặc vào ngày nghỉ thì phái đẹp mới có nhiều thời gian rảnh rang để chăm sóc bản thân. Hoặc vào các ngày quan trọng như ngày 8/3, ngày 20/10 hay Valentine, nhu cầu làm đẹp thường tăng cao do nhiều người có nhu cầu tân trang lại nhan sắc sau một thời gian dài.
Kinh doanh spa làm đẹp hay salon tóc có đặc thù riêng nên thời gian mở cửa trong ngày thường muộn hơn đi cùng với đó là nhu cầu lớn trong các dịp nghỉ, dịp Tết hay các ngày cuối tuần.
Do đó khi lập kế hoạch kinh doanh spa làm đẹp hay salon chăm sóc tóc, bạn nên chú ý đến việc lựa chọn khung giờ phù hợp. Thông thường các salon hay spa đều có lịch làm việc từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều đối với các địa điểm ít khách ví dụ như các quận huyện ngoài trung tâm hay tại các tỉnh còn tại các thành phố lớn hay khu vực trung tâm luôn đông khách thì thời gian mở cửa hàng có thể kéo dài hơn từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tôi. Trong đó giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm khoảng 5 giờ tối đến 7 giờ tối được xem là giờ cao điểm, nhu cầu của khách hàng thường rất cao ở các khung giờ này.
Riêng các ngày nghỉ, ngày Chủ Nhật hay ngày Tết thì lịch làm việc buổi tối có thể kết thúc sớm hơn vào khoảng 5 giờ hoặc 6 giờ chiều bởi buổi tối khách hàng thường dành thời gian bên gia đình hoặc đi thưởng thức ăn uống, tham gia các hoạt động vui chơi thay vì đến spa hay salon tóc làm đẹp. Đó là kinh nghiệm lập kế hoạch kinh doanh spa và salon tóc của nhiều cửa hàng đang kinh doanh hiện nay. Một lưu ý quan trọng khác đó là các spa hay salon tóc nên linh hoạt thời gian mở cửa cho các trường hợp đặc biệt như mở cửa sớm hơn để trang điểm kịp đi dự tiệc hoặc cô dâu kịp cử hành trong ngày cưới.
Cân nhắc bảng giá dịch vụ trong kế hoạch kinh doanh spa và salon tóc
Một kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ spa, cắt tóc cần được lưu ý hết sức đó chính là việc lập bảng giá dịch vụ phù hợp bởi nếu không tính toán cho ra một bảng giá phù hợp với mặt bằng chung thị trường cùng chi phí đầu tư thì rất có thể bạn gặp phải rất nhiều vấn đề trong kinh doanh, thậm chí là thất bại. Nếu giá quá thấp ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận, còn giá quá cao so với mặt bằng chung thì có thể ít khách hơn do khách hàng có xu hướng so sánh giá với các spa làm đẹp hay salon tóc khác, trừ khi dịch vụ của bạn có các lợi thế nổi bật buộc khách hàng phải chi nhiều tiền hơn.
Để kinh doanh spa hay salon tóc hiệu quả, bạn cần cân nhắc việc lập bảng giá dịch vụ phù hợp để thu được lợi nhuận cao đi cùng với đó là phù hợp với đối tượng khách hàng hướng tới.
Để làm được điều này, cách tốt nhất là bạn nên bắt đầu tìm hiểu về địa bàn bạn kinh doanh, đó có phải là khu đô thị cao cấp hay không, rồi tìm hiểu xem mức thu nhập trung bình của người dân nơi đây rơi vào khoảng thấp, trung bình hay cao. Nếu tiệm mở ở khu dân cư cao cấp, mức sống người dân khá cao thì đừng ngần ngại mở các dịch vụ làm đẹp hay chăm sóc tóc chất lượng cao, đẳng cấp. Còn ngược lại xung quanh salon hay spa là khu dân cư bình thường, mức thu nhập từ trung bình trở xuống thì các dịch vụ phải được tối giản nhất, salon chỉ nên cung cấp dịch vụ làm tóc, nhuộm tóc màu cơ bản với giá hợp lý một chút, còn spa chỉ nên dừng lại ở các dịch vụ đơn giản.
Một lưu ý quan trọng khác khi lập bảng giá trong kế hoạch kinh doanh spa và salon tóc đó là cần chú trọng vào 3 yếu tố chính đó là chi phí nhân công, chi phí hoạt động và cuối cùng là lợi nhuận thu được. Chi phí nhân công được tính theo giờ thực hiện một dịch vụ cắt tóc hoặc làm đẹp. Khoản chi này bao gồm lương cho nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, cho nhân viên hành chính như tiếp tân, phục vụ, quản lý và các khoản phúc lợi cho họ. Tiếp theo là chi phí hoạt động thường chiếm 40% đến 50% chi phí vật tư và nhân công, bao gồm các loại chi phí như tiền điện, nước, tiền thuê hoặc tiền khấu hao địa điểm, tài sản cố định,..Sau khi tổng kết thu chi bạn có được con số chính xác nhất về loại chi phí này. Yếu tố cuối cùng bạn nên cân nhắc đồng thời là yếu tố quan trọng nhất đó chính là lợi nhuận. Tùy từng nơi nhưng thông thường lợi tức của một salon hay spa làm đẹp thường ở mức 15% đến 20%. Nếu sau khi lấy tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí mà chưa đủ để bù đắp chi phí hoặc chưa kiếm được lợi nhuận tốt như dự kiến thì bạn nên tăng giá thành dịch vụ lên cho phù hợp hơn.
Ba yếu tố quan trọng khi lập bảng giá dịch vụ trong kế hoạch kinh doanh spa hay salon tóc đó chính là chi phí thuê nhân công, chi phí hoạt động và đặc biệt là xác định lợi nhuận thu được.
Để có thể nhanh chóng có được bảng giá chuẩn cho dịch vụ làm đẹp hay chăm sóc tóc khi lập kế hoạch kinh doanh spa hay salon tóc thì tốt nhất bạn nên đặt ra mức doanh thu mục tiêu cho cả năm rồi dựa vào đó để tính ra giá dịch vụ/giờ. Một ví dụ cho bạn tham khảo đó là bạn đặt ra doanh thu mục tiêu là 52.000 USD/năm thì các giá dịch vụ của spa hay salon tóc cụ thể như sau.
Doanh thu tính theo tuần 52.000 USD/52 tuần = 1.000 USD/tuần.
Doanh thu tính theo giờ 1.000USD/100 giờ mở cửa/tuần = 10 USD/giờ.
Lợi nhuận 10%/giờ là 1 USD, cộng vào thành 11 USD/giờ. Như vậy tiền dịch vụ của salon/spa là 11 USD/ giờ.
Như vậy, các gợi ý trên đây của Thế Hệ Khởi Nghiệp giúp bạn có thể định hình được cho mình một hướng kinh doanh khi lập kế hoạch kinh doanh spa làm đẹp hay salon tóc bao gồm việc mở mới, nhượng quyền hay mua lại. Ngoài ra, bạn còn biết cách khảo sát thị trường từ đó đưa ra mức độ đầu tư và quy mô cửa hàng phù hợp cùng với xây dựng bảng giá dịch vụ phù hợp, mang lại lợi nhuận cho cửa hàng. Ở phần tiếp theo, Thế Hệ Khởi Nghiệp tiếp tục giới thiệu các loại hình dịch vụ spa và salon hiệu quả nhất hiện nay đi cùng quy trình vận hành và phương pháp Marketing tiếp thị hiệu quả khi lập kế hoạch kinh doanh spa làm đẹp hay salon tóc.