Trong kinh doanh quần áo, bên cạnh việc lựa chọn địa điểm mở cửa hàng, xác định thị trường và phân khúc khách hàng thì còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành công khi mở cửa hàng quần áo. Cùng tiếp tục tìm kiểu kế hoạch kinh doanh quần áo chi tiết giúp bạn kinh doanh hiệu quả.
Ở phần trước, Thế Hệ Khởi Nghiệp giới thiệu đến bạn bản kế hoạch kinh doanh quần áo bao gồm việc phân tích thị trường, nhu cầu của thị trường, phân khúc khách hàng hướng đến, cách đặt tên cửa hàng kinh doanh, lựa chọn sản phẩm kinh doanh đi cùng với địa điểm mở cửa hàng kinh doanh quần áo phù hợp. Tuy nhiên đó mới chỉ là các yếu tố nền tảng giúp bạn định hình được công việc kinh doanh quần áo, để kinh doanh hiệu quả bạn còn cần phải trang trí cửa hàng quần áo, tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh, thuê nhân viên bán hàng, xác định nguồn vốn và các khoản chi phí cần thiết khi kinh doanh quần áo đi cùng với đó là lập kế hoạch triển khai các kênh Marketing quảng bá cửa hàng đến với các đối tượng khách hàng mục tiêu. Trong phần này, Thế Hệ Khởi Nghiệp tiếp tục giúp bạn xác lập được bản kế hoạch kinh doanh quần áo hoàn chỉnh và chi tiết giúp kinh doanh hiệu quả.
Xem thêm Kế hoạch kinh doanh quần áo từ A đến Z giúp kinh doanh hiệu quả (P1)
1. Trang trí cửa hàng quần áo
Sau khi lựa chọn và thuê địa điểm kinh doanh mở cửa hàng quần áo, tiếp theo là trang trí cửa hàng quần áo cho phù hợp đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách hàng khi đến với cửa hàng của bạn. Bạn nên chọn gam màu chủ đạo, phong cách thiết kế có mối liên hệ với các dòng sản phẩm thời trang, quần áo bạn đang kinh doanh ở thời điểm hiện tại đồng thời tuân thủ một số nguyên tắc trong thiết kế cửa hàng quần áo để đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút khách hàng và kích thích khách hàng mua các sản phẩm quần áo trưng bày trong cửa hàng.
Trang trí cửa hàng quần áo là cách tạo điểm nhấn thu hút khách hàng đồng thời giúp khách hàng ấn tượng khi ghé thăm cửa hàng của bạn so với các cửa hàng khác.
– Bên ngoài cửa hàng thì điều quan trọng nhất chính là biển hiệu kinh doanh cùng với đó là cách bày biện, trang trí bắt mắt giúp tạo ấn tượng với khách hàng đi đường. Đặc biệt là cửa ra vào và phần hướng ra ngoài mặt đường, càng tinh tế, độc đáo càng tốt đồng thời phải trưng bày được một số sản phẩm nổi bật ở bên ngoài cửa hàng đi cùng với các chương trình khuyến mại (sale off) thu hút khách hàng vào mua sắm.
– Nên bao trùm cửa hàng quần áo với ánh sáng vàng lung linh, bắt mắt nhờ hiệu quả của nghệ thuật phối ánh sáng với dèn đèn được bố trí dày đặc khắp cửa hàng. Bạn nên lựa chọn ánh sáng vàng ấm áp giúp người mua hàng diện đồ trông lung linh hơn từ đó cảm thấy thích thú và nhanh chóng đưa ra quyết định mua sắm hơn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể sử dụng nhiều loại ánh sáng có màu sắc khác nhau, mức độ sáng và hiệu ứng khác nhau trong cửa hàng quần áo phù hợp với từng đối tượng khách hàng hướng tới.
– Chú ý sử dụng hệ thống gương soi giúp khách hàng cảm thấy mình đẹp hơn, thon gọn và dáng chuẩn hơn khi mặc quần áo trên người. Tuy nhiên không nên đặt chiếc gương soi toàn thân ngay trong phòng thử đồ bởi người mua thường có xu hướng chiếm dụng căn phòng này vì mải ngắm nghía quá lâu, ảnh hưởng đến các khách hàng khác. Thay vào đó, bạn nên đặt ở khu vực bên ngoài để khách hàng sau khi thử đồ có thể ra đó ngắm nghía kết hợp với hiệu ứng ánh sáng càng trở nên lung linh hơn đồng thời thu hút cả các khách hàng khác đang ở trong cửa hàng.
– Bố trí các mặt hàng giảm giá và biển quảng cáo giảm giá phù hợp, bạn có thể trưng bày biển giảm giá ngay bên ngoài cửa hàng tuy nhiên nên sắp xếp khu vực hàng giảm giá ở trong cùng để khách hàng phải bước qua hàng loạt các sản phẩm bắt mắt khác trước khi tiếp cận hàng giảm giá. Đây được xem là một mẹo kinh doanh quần áo hiệu quả tác động đến tâm lý mua sắm của khách hàng.
– Các mặt hàng quần áo chỉ nên trưng bày một chiếc duy nhất giúp bạn phô bày được nhiều kiểu dáng thiết kế quần áo đa dạng của cửa hàng đồng thời có thể khiến khách hàng lầm tưởng rằng sản phẩm chỉ còn một chiếc duy nhất, nếu không nhanh tay mua có thể mất cơ hội khi quay trở lại cửa hàng vào lần sau.
– Tốt nhất nên trưng bày cửa hàng quần áo theo từng nhóm sản phẩm khác nhau giúp khách hàng thuận tiện trong việc lựa chọn các sản phẩm quần áo ví dụ khu vực chuyên váy vóc, chuyên quần âu, chuyên áo sơ mi, các nhóm sản phẩm có cùng mức giá với nhau đáp ứng đối tượng khách hàng nhạy cảm về giá hay sắp xếp nhóm các sản phẩm có cùng size với nhau theo đối tượng khách hàng quan tâm đến kích thước và cân nặng.
– Nên tuân thủ theo quy luật số 3 tức là thay vì đặt 1 sản phẩm trên kệ thì bạn nên đặt 3 sản phẩm, thay vì trưng bày 1 hoặc 2 mô hình ma nơ canh sau tấm kính trước cửa hàng thì bạn nên đặt 3 mô hình bởi theo như nghiên cứu thì người mua thường có xu hướng tập trung ánh nhìn các mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, đối xứng hay nổi trội hơn các thứ khác. Nếu gây được sự chú ý của khách hàng thì khả năng chuyển đổi sang hành vi mua hàng nhanh chóng hơn rất nhiều.
2. Lựa chọn nguồn hàng quần áo kinh doanh
Một vấn đề khác bạn cần quan tâm khi lập kế hoạch kinh doanh quần áo thời trang đó chính là việc lựa chọn nguồn hàng quần áo kinh doanh hay nói cách khách là kinh nghiệm nhập hàng và tìm kiếm nguồn hàng. Nguồn hàng quần áo hiện nay tương đối đa dạng, bạn có thể nhanh chóng lấy hàng từ các chợ đầu mối quần áo lớn trên cả nước, các xưởng chuyên gia công, sản xuất quần áo, các cửa hàng quần áo lớn, hàng VNXK, các sàn thương mại điện tử hay nếu có điều kiện hơn, bạn có thể sang trực tiếp Quảng Châu, Thái Lan đánh hàng hay lấy hàng quần áo thời trang xách tay về bán nếu có bạn bè, người thân ở nước ngoài hoặc có mối lấy hàng chất lượng.
Nguồn hàng quần áo hiện nay tương đối đa dạng với nhiều kiểu dáng, chủng loại, xuất xứ và giá cả khác nhau, tùy theo điều kiện và nhu cầu kinh doanh bạn có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp.
Tuy nhiên dù lựa chọn nguồn hàng quần áo nào để kinh doanh thì bạn nên chú ý 5 tiêu chí dưới đây để nhập được quần áo chất lượng với giá tốt đáp ứng đúng nhu cầu của hoạt động kinh doanh.
– Chọn lựa mặt hàng phù hợp bao gồm loại quần áo (quần jeans, sơ mi, quần âu, váy vóc,…), các loại kiểu dáng của quần áo, thương hiệu, số lượng.
– Thương hiệu, sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu có thể xác định làm yếu tố quan trọng để nhập hàng. Nhưng chất lượng và kiểu dáng thực sự là yếu tố quan trọng nếu bạn hướng tới các dòng sản phẩm phân khúc khách hàng cao hơn.
– Đơn hàng tối thiểu phải nhập. Tại một số nhà sản xuất họ đòi hỏi người kinh doanh thương mại như chúng ta phải có hạn mức nhập hàng tối thiểu. Nếu bạn cảm thấy thị trường của mình không đủ lớn để nhập nhiều hàng thì có thể xem xét đàm phán hoặc loại bỏ nhà cung cấp, hoặc tính toán đến phương án mới.
– Tần suất nhập hàng từ 2 tuần đến 3 tuần, cho dù hàng hóa tồn kho không thể bán nhưng bạn luôn phải nhập hàng mới và có chính sách bán hàng khác với số hàng tồn kho kia. Tần suất nhập hàng được duy trì làm cho cửa hàng của bạn luôn cập nhật các kiểu dáng và xu hướng thời trang mới, khách hàng quen cứ theo lịch hẹn đến cửa hàng thời trang của bạn tìm kiếm các món đồ đẹp theo nhu cầu của họ.
– Chú ý đến việc nhập hàng chuẩn bị cho các dịp bán chạy trong năm như ngày Tết, ngày nghỉ, ngày đặc biệt như Valentine hay mồng 8/3. Bạn cần lên kế hoạch nhập hàng trước ngày nghỉ ít nhất 2 tuần hoặc 20 ngày. Trong kế hoạch nhập hàng đó phải ước tính được số lượng hàng có thể bị tồn kho đồng thời giải pháp cho số hàng bị tồn đó, nếu không dự đoán được con số đó, bạn có thể phải chịu tổn thất lớn trong kinh doanh hoặc thiếu nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng.
3. Lên kế hoạch kinh doanh quần áo cho việc thuê nhân viên cửa hàng
Nếu kinh doanh cửa hàng quần áo nhỏ bạn có thể tự bán hàng và lo các khâu còn lại tuy nhiên tốt nhất là nên thuê từ 1 đến 2 nhân viên đứng quầy đồng thời làm nhiệm vụ quan sát cửa hàng, vệ sinh các gian hàng kinh doanh. Bạn trực tiếp quản lý nhân viên, giám sát chung và đảm bảo công việc thu ngân, đi cùng với lo các vấn đề khác như quản lý tài chính, nhập xuất hàng hay tối ưu các khâu bán hàng.
Thuê nhân viên cho cửa hàng kinh doanh quần áo là vấn đề bạn cần phải tính đến trong chi phí kinh doanh, đặc biệt là việc thuê nhân viên bán hàng và thu ngân khi mở cửa hàng quần áo.
Tuy nhiên nếu bạn có dự định kinh doanh mở cửa hàng quần áo với số vốn lớn thì để thực hiện ý tưởng kinh doanh mở cửa hàng quần áo, bạn cần lập kế hoạch kinh doanh quần áo chi tiết cho việc thuê nhân viên đáp ứng nhu cầu của hoạt động kinh doanh và mang lại sự vận hành hiệu quả cho cửa hàng.
– Tuyển từ 1 đến 2 nhân viên thu ngân, nhân viên thu nhân chịu trách nhiệm giúp bạn thu tiền và trả tiền thừa từ khách hàng, họ đồng thời kiêm luôn việc tiếp đón khách hàng khi vào cửa hàng.
– Tuyển 2 hoặc 3 nhân viên đứng quầy, họ có trách nhiệm quan sát trực tiếp khách hàng, tư vấn và nói chuyện với khách hàng khi bước vào cửa. Người này có nhiệm vụ thuyết phục khách mua sản phẩm, các nhân viên này phải có am hiểu nhất định về thời trang, nếu họ chưa có kiến thức, phải được đào tạo trước khi bán hàng.
– Tuyển 1 nhân viên kế toán đảm nhiệm công việc kế toán, làm thủ tục và nộp thuế, tổng hợp, phân tích số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng.
– Tuyển 1 trưởng quầy, họ làm nhiệm vụ quan sát nhân viên bán hàng trong cửa tiệm, giám sát hoạt động kinh doanh chung, thói quen xem sản phẩm thời trang của khách, trợ khách hàng trong các trường hợp vượt quá nhiệm vụ của nhân viên khác. Đồng thời họ có thể tham mưu cho bạn các kế hoạch kinh doanh quần áo, chiến lược để thu hút khách hàng.
– Tuyển 1 nhân viên bảo vệ kiêm trông xe làm nhiệm vụ dắt xe cho khách đồng thời trông xe đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng (nếu cửa hàng lớn và đông khách).
– Tuyển 1 hoặc 2 nhân viên triển khai các kênh Marketing tiếp cận khách hàng như chăm sóc website, chăm sóc Fanpage, Zalo bán hàng hay chạy các chiến dịch quảng cáo Google Adwords hay Facebook Ads để thu hút khách hàng đến cửa hàng mua sắm nhiều hơn.
4. Lập kế hoạch vốn đầu tư và chi phí vận hành cửa hàng quần áo
Kinh doanh quần áo cần bao nhiêu vốn là điều mà rất nhiều người quan tâm khi mở cửa hàng quần áo. Tất nhiên tùy theo mặt hàng và phân khúc khách hàng hướng đến mà số vốn kinh doanh có thể khác nhau, có người chỉ cần vài chục triệu để mở cửa hàng quần áo, có người cần 100 triệu, 200 triệu, thậm chí có người đầu tư hẳn 500 triệu cho việc kinh doanh quần áo ở thời điểm hiện tại. Trong số đó, vốn để mở cửa hàng kinh doanh quần áo đa phần chi cho các khoản chi phí bao gồm chi phí thuê địa điểm kinh doanh, chi phí cho tiền hàng, chi phí trang trí cửa hàng, chi phí mua sắm trang thiết bị, chi phí thuê nhân công, chi phí cho hoạt động Marketing cùng các khoản chi phí khác (tiền điện nước, tiền Internet,…).
Tùy theo phân khúc khách hàng và điều kiện kinh doanh thực tế mà số vốn mở cửa hàng quần áo có thể khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn nhập hàng, vốn thuê địa điểm mở cửa hàng và chi phí Marketing.
Bạn có thể xem thêm bài viết Mở cửa hàng quần áo cần bao nhiêu vốn giúp bạn nắm được chi tiết vấn đề vốn để đầu tư bán mặt hàng thời trang bao gồm tiền hàng nhập bao nhiêu, tiền thuê mặt bằng và trang trí cửa hàng bao nhiêu, tiền chi cho hoạt động Marketing bao nhiêu,…
5. Xây dựng kế hoạch Marketing khi kinh doanh quần áo thời trang
Xây dựng kế hoạch Marketing được xem là phần quan trọng nhất khi lập kế hoạch kinh doanh quần áo đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển của cửa hàng, mang thêm cho cửa hàng nhiều lợi nhuận. Do vậy, khi kinh doanh cửa hàng quần áo, các chủ cửa hàng cần phải đẩy mạnh hoạt dộng Marketing, đặc biệt là Marketing Online để tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng, bên cạnh việc bán hàng theo phương thức truyền thống.
Ngày khai trương cửa hàng
Sau khi trang trí cửa hàng và chuẩn bị tất cả các vấn đề từ sắp đặt bàn ghế, quầy thu ngân, tủ kệ treo quần áo, nhập hàng quần áo về cửa hàng, trưng bày quần áo, giá cả, tuyển bộ phận thu ngân, nhân viên bán hàng thì lúc này bạn nên chọn một ngày đẹp để khai trương cửa hàng quần áo. Trong ngày khai trương, để thu hút khách hàng đến cửa hàng càng nhiều càng tốt thì bạn phải truyền tải được các thông điệp đến với khách hàng như Cửa hàng chúng tôi đang khuyến mại nhân dịp khai trương, cửa hàng chúng tôi đang chiết khấu lớn, cửa hàng chúng tôi đang có quà tặng thưởng cho các khách hàng mua hàng trong ngày hôm nay hoặc trong tuần khai trường này.
Trong ngày khai trương cửa hàng, bạn nên áp dụng các chương trình khuyến mại, tặng quà đồng thời nên tổ chức rầm rộ để nhiều người biết đến cửa hàng quần áo của bạn.
Đồng thời bạn nên in tờ rơi và phân phát cho người dân xung quanh khu vực mở cửa hàng, mời bạn bè thân thiết đến chung vui và dự khai trương cửa hàng, thuê đội múa lân sư rồng hay PG sao cho buổi khai trương càng đông người càng tốt. Bên cạnh đó, bạn nên chạy các chiến dịch khuyến mại nhân dịp khai trương cửa hàng hoặc livestream trực tiếp trên các kênh online như Facebook hay Zalo để có thêm nhiều khách hàng biết đến cửa hàng của bạn vừa mới khai trường. Ngoài ra, trong ngày khai trương bạn nên tặng các khách mua sắm tại cửa hàng voucher, thẻ giảm giá, các món quà nhỏ hoặc áp dụng các chương trình khuyến mại đặc biệt lớn dành riêng cho ngày khai trương cửa hàng. Một điều quan trọng khác là trong ngày khai trương cửa hàng bạn phải trưng bày càng nhiều kiểu dáng sản phẩm càng tốt đồng thời đặt các sản phẩm thu hút nhất ở các vị trí nổi bật trong cửa hàng để thu hút khách hàng đến mua sắm.
Sau ngày khai trương
Sau khi khai trương cửa hàng quần áo, mọi công việc kinh doanh của bạn trở lại như bình thường tuy nhiên thông thường khuyến mại không chỉ ở ngày khai trương cửa hàng mà còn ở tuần đầu sau khi mở cửa hàng, lúc này khách hàng tiếp tục được hưởng các lợi ích của việc giảm giá, khuyến mại hay chiết khấu. Chắc chắn, có khá nhiều khách hàng hôm qua đến cửa hàng của bạn có thể quay lại để mua hàng, rủ thêm bạn bè hoặc khách đi qua cửa hàng của bạn trên phố nhìn thấy băng zôn hay bảng giảm giá họ có thể ghé thăm để mua đồ. Do đó, bạn phải chăm sóc thật tốt các khách hàng mới này, giúp họ ấn tượng về phong cách phục vụ của cửa hàng.
Bên cạnh đó, bên trong cửa hàng quần áo cần bố trí sản phẩm nổi bật, có sự đa dạng, phong phú về chủng loại, kiểu dáng, thương hiệu mặt hàng quần áo thiết kế. Đồng thời để làm khách hàng bị thuyết phục, bạn cần tạo ra một điểm nhấn cho cửa hàng của mình, khác biệt so với các cửa hàng khác để khi nhân viên bán hàng xoáy vào điểm khác biệt nổi bật đó thì khách hàng có thể ngay lập tức chi tiền, lấy hàng và bị thuyết phục hoàn toàn.
Xây dựng chiến lược Marketing dài hạn
Đối với sản phẩm quần áo thời trang khi lập kế hoạch kinh doanh quần áo và Marketing dài hạn cho cửa hàng thì hàng tuần bạn cần cập nhật và bổ sung hàng mới lên kệ treo đồ. Các sản phẩm cao cấp và dưới cao cấp trên trung cấp có thể là các mặt hàng được bày bán nhiều hơn trong tương lai, nguyên tắc này để nâng giá cửa hàng của bạn bạn, cạnh tranh hiệu quả hơn các cửa hàng bán đồ giá thấp, chất lượng bình dân. Ngoài ra, khi kinh doanh lâu dần, bạn có thể tiêu chuẩn hóa sản phẩm cho từng phân đoạn khách hàng, điều này có tác dụng kết nối khách hàng với nhau, cửa hàng của bạn lúc này có thể bày bán sản phẩm đáp ứng cho nhiều đối tượng khách hàng với nhu cầu khác nhau, ví dụ có người thích dòng thời trang thương hiệu A nhưng có người lại thích dòng thường trang thương hiệu B. Như vậy cùng là một cửa hàng kinh doanh thời trang nhưng cửa hàng của bạn có thể có thêm nhiều khách hàng nhờ các phân đoạn khác nhau.
Để kinh doanh lâu dài và hiệu quả, bạn nên dần đa dạng hóa phân khúc kinh doanh đồng thời chú trọng vào chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ khách mua hàng khi ghé thăm cửa hàng quần áo.
Một yếu tố khác bạn nên quan tâm trong kế hoạch kinh doanh quần áo dài hạn đó chính là chất lượng phục vụ khách hàng, trong đó điều quan trọng là bạn cần đào tạo cho nhân viên các kiến thức và năng lực phục vụ khách hàng tốt nhất. Trong ngành thời trang, chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ chính là hai yêu tố quan trọng không thể thiếu ảnh hưởng đến thành công của bạn trong kinh doanh. Bất luận khách hàng có mua sản phẩm hay không, mua nhiều hay mua ít thì thái độ của người bán hàng phải luôn tôn trọng và xem họ như một khách hàng đích thực, có gu thời trang tuyệt vời, khi họ ra về dù không mua sản phẩm nào nhưng đều phải chào hỏi và hẹn gặp lại. Có thể ở thời điểm hiện tại, họ chưa tìm được sản phẩm ưng ý hoặc chưa mua hàng ngay tuy nhiên có thể họ mua hàng ở lần sau đến với cửa hàng hoặc vì cảm thấy ưng phong cách phục vụ mà họ trở lại mua đồ của cửa hàng hoặc nói với người khác về cửa hàng của bạn và sự thân thiện của các nhân viên trong cửa hàng.
Triển khai chiến lược Marketing ngắn hạn
Có rất nhiều cách Marketing ngắn hạn mà bạn có thể triển khai và áp dụng cho cửa hàng kinh doanh quần áo ở thời điểm hiện tại. Đầu tiên khi khách hàng đến cửa hàng lần đầu tiên, bạn có thể tặng họ một phiếu mua hàng giảm giá, hoặc tặng khách hàng một món quà, một chiếc dây lưng, một chiếc nơ xinh xắn để chào mừng họ đến với cửa hàng của bạn lần đầu tiên. Và đừng quên nói với họ rằng lần thứ 2 đến và cầm theo phiếu giảm giá anh (chị) được giảm giá lên tới 10% hay 20% tổng số đơn hàng hoặc giảm ngay 100K cho đơn hàng trị giá trên 1 triệu đồng. Ngoài ra, bạn còn có thể xây dựng các minigame trên Facebook tặng quà và chiết khấu cho khách hàng trả lời đúng câu hỏi hay chơi minigame nhận quà. Các chương trình bán hàng như thế nào vừa gia tăng tương tác với khách hàng, lượng khách hàng quay trở lại vửa khiến khách hàng hào hứng tham gia.
Cách Marketing ngắn hạn cho cửa hàng nhanh nhất đó chính là việc áp dụng các chương trình giảm giá, thẻ khuyến mại đi cùng với đó là quảng cáo cửa hàng, sản phẩm kinh doanh trên các kênh online.
Bên cạnh đó với các khách hàng từng mua sản phẩm của cửa hàng, bạn có thể sử dụng danh sách thông tin khách hàng bán sản phẩm để gọi điện, gửi Email, tin nhắn điện thoại hay tin nhắn Facebook khi cửa hàng đang áp dụng các chương trình khuyến mại hay chương trình dành tặng khách hàng thân thiết. Không chỉ có vậy, một cách Marketing hiệu quả khác đó chính là chạy quảng cáo bán hàng, bạn có thể xây dựng một website bán quần áo để chạy quảng cáo Google Adwords, Remarketing bám đuổi khách hàng khi vào website hoặc xây dựng Fanpage cửa hàng trên Facebook để chạy quảng cáo bán hàng. Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng các kênh bán hàng khác như Lazada, Sendo hay Shopee để tiếp cận khách hàng. Mục đích chính là tăng lượng tiếp cận, giúp nhiều khách hàng biết đến cửa hàng quần áo của bạn đi cùng với đó là các chương trình khuyến mại cửa hàng đang áp dụng, giảm thiểu lượng hàng tồn kho hoặc quảng cáo các kiểu dáng, xu hướng quần áo mới nhập về. Tuy nhiên, các cửa hàng không nên đổ tiền quá nhiều vào quảng cáo, điều quan trọng là làm sao tối ưu được các khâu bán hàng, dùng các kênh online để đẩy mạnh việc bán offline kéo khách đến cửa hàng của bạn.
Trên đây, Thế Hệ Khởi Nghiệp giới thiệu chi tiết bản kế hoạch kinh doanh quần áo từ A đến Z giúp các chủ cửa hàng mở shop kinh doanh quần áo hiệu quả. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc hỏi thêm vấn đề gì khi kinh doanh quần áo thời trang, có thể để lại câu hỏi trong phần bình luận để được chúng tôi giải đáp trong thời gian nhanh chóng nhất. Chúc bạn kinh doanh quần áo thành công với bản kế hoạch này.